Sự kết hợp giữa cơ quan thuế và BHXH

haivtca Tác giả haivtca 19/07/2024 18 phút đọc

Quy chế phối hợp Công tác 5423/QCPH-BHXH-TCT giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục thuế, Quy chế này được thực hiện trên nguyên tắc phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội cùng cấp để phối hợp quản lý thu các khoản BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là các khoản BHXH).

Sự kết hợp giữa cơ quan thuế và BHXH (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) được quy định tại Quy chế phối hợp công tác số Công tác 5423/QCPH-BHXH-TCT

Trien khai thuc hien quy che phoi hop giua thue va co quan bhxh

BHXH VIỆT NAM -TỔNG CỤC THUẾ --------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ----------------

Số: 5423/QCPH-BHXH-TCT

Tp.Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2014

QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC

GIỮA BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006; Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006; Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;

Thực hiện Công văn số 235/TTg-KTTH ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội;

Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng cục Thuế thống nhất quy chế phối hợp công tác với các nội dung sau:

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định cụ thể việc phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và cơ quan Thuế (sau đây gọi chung là hai cơ quan), bao gồm:

1. Trao đổi thông tin về tổ chức và cá nhân trả thu nhập từ tiền lương tham gia đóng các khoản BHXH bắt buộc và nộp thuế (sau đây gọi là tổ chức trả thu nhập) để phối hợp quản lý thu các khoản BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là BHXH) và quản lý thu thuế.

2. Trao đổi thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra và phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức trả thu nhập trong việc thu BHXH và thu thuế.

3. Trao đổi mã số thuế để sử dụng trong quản lý tổ chức trả thu nhập tham gia BHXH.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với BHXH Việt Nam, Tổng cục Thuế và các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện).

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp, trao đổi

1. Việc trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa hai cơ quan phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu quản lý thu BHXH, quản lý thuế trong từng thời kỳ của mỗi cơ quan, phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Việc trao đổi thông tin phải đảm bảo kịp thời, chính xác và đầy đủ theo yêu cầu của mỗi cơ quan.

3. Nội dung thông tin trao đổi và phối hợp công tác giữa hai cơ quan được quản lý theo quy định của Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, chỉ được sử dụng trong lĩnh vực quản lý BHXH và quản lý thuế.

Chương 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: TRAO ĐỔI, CUNG CẤP THÔNG TIN

Điều 4. Thông tin trao đổi giữa hai cơ quan

1. Thông tin do cơ quan BHXH cung cấp bao gồm:

a) Số lượng tổ chức trả thu nhập tham gia BHXH, số lao động tham gia BHXH;

b) Số tiền đóng BHXH;

c) Số tiền nợ BHXH;

d) Tổ chức trả thu nhập nợ BHXH;

đ) Thông tin khác theo đề nghị của cơ quan Thuế.

2. Thông tin do cơ quan Thuế cung cấp bao gồm:

a) Thông tin về tổ chức trả thu nhập:

- Đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế;

- Tình hình hoạt động của tổ chức trả thu nhập; tổ chức trả thu nhập thành lập mới, giải thể, phá sản, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh.

b) Số lượng người lao động trong tổ chức trả thu nhập.

c) Tiền trích BHXH bắt buộc mà tổ chức trả thu nhập tính vào chi phí để tính thuế.

d) Danh sách người lao động trong tổ chức trả thu nhập.

3. Nội dung thông tin chi tiết trao đổi, cung cấp của mỗi Bên theo Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 5. Đầu mối trao đổi, phương thức trao đổi thông tin

1. Đầu mối trao đổi thông tin

Việc trao đổi, cung cấp thông tin do BHXH Việt Nam, Tổng cục thuế; cơ quan BHXH và cơ quan thuế cùng cấp thực hiện.

2. Phương thức trao đổi thông tin

a) Trao đổi thông tin thông qua hệ thống kết nối tự động:

- BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế phát triển hệ thống dữ liệu tập trung, phối hợp kết nối, trao đổi thông tin.

- Thông tin trao đổi thường xuyên hoặc định kỳ được quy định tại Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Quy chế này.

b) Trao đổi thông tin trực tiếp bao gồm:

- Văn bản, tài liệu chứa đựng các nội dung thông tin liên quan;

- Bảng (file) dữ liệu được định dạng theo các biểu mẫu, việc trao đổi sử dụng địa chỉ e-mail nội bộ;

- Thông qua các buổi làm việc, hội nghị, hội thảo giữa hai cơ quan.

Mục 2: PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ THU BHXH VÀ THU THUẾ

Điều 6. Sử dụng mã số thuế và chữ ký số để quản lý tổ chức trả thu nhập

1. Cơ quan Thuế triển khai cấp mã số thuế đối với tổ chức trả thu nhập theo quy định và phối hợp trao đổi để cơ quan BHXH sử dụng trong quản lý đơn vị tham gia BHXH.

2. Trong năm 2015, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế xây dựng quy trình cấp, sử dụng mã số thuế trong việc quản lý thu thuế và thu các khoản BHXH bắt buộc đối với tất cả các tổ chức trả thu nhập tham gia BHXH.

3. Tổ chức trả thu nhập được sử dụng chữ ký số khai thuế để kê khai tham gia BHXH.

Điều 7. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra

1. Hàng năm căn cứ kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được duyệt, cơ quan thuế cung cấp danh sách tổ chức trả thu nhập phải thanh tra, kiểm tra cho cơ quan BHXH cùng cấp. Cơ quan BHXH cung cấp số liệu đóng BHXH của đơn vị được thanh tra, kiểm tra cho cơ quan thuế.

2. Sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế thông báo cho cơ quan BHXH tình hình trích, nộp BHXH của đơn vị.

3. Trong quá trình làm thủ tục BHXH phát hiện các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, cơ quan BHXH thông báo với cơ quan thuế để lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra.

4. Trong trường hợp cần thiết BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế phối hợp thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành để thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH và thuế đối với tổ chức trả thu nhập.

Chương 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế

1. Ban Thu BHXH Việt Nam, Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân Tổng cục Thuế là hai đơn vị đầu mối chủ trì của hai Bên, chịu trách nhiệm:

a) Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện Quy chế.

b) Thực hiện các nội dung phối hợp quản lý thu nợ BHXH và nợ thuế.

c) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung thông tin cần trao đổi theo Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Quy chế phù hợp với thực tế quản lý, hệ thống thông tin và yêu cầu quản lý của từng Bên.

2. Trung tâm Công nghệ Thông tin (CNTT) BHXH Việt Nam và Cục CNTT Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm:

a) Khảo sát hệ thống, cơ sở dữ liệu của Ngành để chuẩn hóa dữ liệu; xây dựng, phát triển, đảm bảo hạ tầng CNTT để kết nối, chia sẻ thông tin giữa hai Bên.

b) Đảm bảo việc trao đổi, cung cấp thông tin được thông suốt, kịp thời.

c) Phân công, phân cấp, cấp quyền tiếp nhận, trao đổi thông tin, khai thác và sử dụng thông tin đúng quy định.

3. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thuế theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các đơn vị được giao đầu mối chủ trì để thực hiện các nội dung trong Quy chế phối hợp.

4. BHXH tỉnh, thành phố và Cục thuế tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm:

Căn cứ Quy chế này, xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH tỉnh và Cục Thuế tỉnh để thực hiện trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa hai bên trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn BHXH và Chi cục Thuế các huyện thực hiện.

Điều 9. Chế độ giao ban, tổng kết

1. Định kỳ 6 tháng, cơ quan BHXH và cơ quan Thuế cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, thống nhất kế hoạch phối hợp kỳ tiếp theo.

2. Hàng năm, theo hình thức luân phiên, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế tổ chức đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Quy chế.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế sẽ trao đổi ý kiến để có sự vận dụng linh hoạt hoặc quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Cao Anh Tuấn

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Đỗ Văn Sinh

 

Tại văn bản tại đây

5.0
775 Đánh giá
haivtca
Tác giả haivtca Admin
Bài viết trước BHXH và Chi phí lương

BHXH và Chi phí lương

Bài viết tiếp theo

Tuyển dụng Trưởng phòng dịch vụ kế toán năm 2022

Tuyển dụng Trưởng phòng dịch vụ kế toán năm 2022
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo