Sửa Luật kế toán - TTCK Sẽ Minh Bạch hơn

haivtca Tác giả haivtca 19/07/2024 10 phút đọc

Chính phủ vừa trình ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vể phương án sửa đổi Luật Kế toán, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm nay. Trong đó, lần đầu tiên định ra nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý (thị trường).

14

BẤT ỔN NGUYÊN TẤC GIÁ GỐC

Chủ trì soạn thảo dự thảo sửa đổi Luật Kế toán, Bộ Tài chính cho biết, Luật hiện hành quy định nguyên tắc giá gốc (giá trị ghi sổ) để hạch toán và lập báo cáo tài chính (BCTC). Việt Nam đang hoàn chỉnh cơ chế kinh tế thị trường, nên hạch toán theo giá gốc là chưa phù hợp với thông lệ phổ biến trên thế giới và các chuẩn mực kế toán quốc tế. Một số lĩnh vực như chứng khoán, tín dụng..., nếu hạch toán theo giá gốc sẽ không phản ánh thực chất bức tranh về vốn, tài sản trong kinh doanh.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất: giá trị ban đầu của tài sản được hạch toán theo giá gốc, bao gồm chi phí mua, bốc xếp, vận chuyển, lắp ráp, chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác đến khi đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản có thể xác định được giá trị hợp lý, đơn vị kế toán được điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán theo giá trị hợp lý.

Khi thẩm tra dự án Luật, ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, nhưng một số ý kiến chưa đồng tình vì cho rằng, việc cho phép hạch toán, điều chỉnh lại giá trị tài sản đã ghi sổ kế toán theo giá trị hợp lý có thể tạo kẽ hở làm phát sinh các trường hợp ghi khống, ghi giá trị ảo của tài sản, gây khó khăn cho quản lý, kiểm soát, đánh giá giá trị thực chất của tài sản. Việc dự thảo Luật chưa quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để xác định các loại tài sản được đưa vào danh mục tài sản được điều chỉnh theo giá trị hợp lý có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong ban hành danh mục và tổ chức thực hiện.

Giải trình vấn đề trên, Bộ Tài chính cho rằng, dự thảo Luật cho phép áp dụng giá trị hợp lý nhằm đánh giá đúng thực trạng tài chính của DN tại thời điểm báo cáo, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đây là vấn đề mới, phương pháp xác định giá trị hợp lý phức tạp, tùy thuộc vào điều kiện thị trường của từng tài sản, nên dự thảo không quy định cụ thể cơ sở xác định giá trị hợp lý, cũng như không quy định cụ thể tài sản nào được hạch toán theo giá trị hợp lý, mà giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với điểu kiện thực tế.

Theo thông lệ quốc tế, giá trị hợp lý được hiểu là giá có thể nhận được khi bán một tài sản, hoặc thanh toán một khoản nợ phải trả trong một giao dịch có trật tự giữa các thành viên thị trường tại ngày xác định giá trị.

5 LOẠI TÀI SẢN ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ THEO GIÁ TRỊ HỢP LÝ

Để cụ thể hóa các loại tài sản được hạch toán theo giá trị hợp lý,Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định của chính phủ quy định Danh mục tài sản và phương thức đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý. Theo đó, có 5 loại tài sản được đánh giá theo giá trị hợp lý gồm: các công cụ tài chính, hàng tồn kho, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, doanh thu.

Trong đó, tài sản là các công cụ tài chính gồm: cổ phiếu thưởng, trái phiếu chuyển đổi,chứng khoán phái sinh... Đối với trái phiếu chuyển đổi, ngoài áp dụng như các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn, đơn vị tiến hành đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu mà trái phiếu có thể chuyển đổi. Việc tăng giảm giá trị do việc đánh giá lại này được ghi nhận thu nhập hoặc chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh. Đối với cổ phiếu thưởng, khi NĐT được nhận thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền do công ty sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (chia cổ tức bằng cổ phiếu) để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, NĐT đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu tại thời điểm nhận được và ghi tăng giá trị khoản đầu tư, đồng thời ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính.

Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết phương pháp xác định giá trị hợp lý đối với các công cụ tài chính phái sinh như: hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi. Theo đó, giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai được xác định là số dư tiền ký quỹ tại nhà môi giới tại thời điểm báo cáo. Giá trị hợp lý của hợp đồng tương lai không nhỏ hơn mức ký quỹ tối thiểu niêm yết bởi sàn giao dịch. Giá trị hợp lý của hợp đồng kỳ hạn là giá trị hiện tại của các khoản thu hoặc phải trả ước tính tại thời điểm đáo hạn hợp đồng (thực hiện bằng cách quy đổi giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai về giá trị hiện tại theo lãi suất thực tế của từng kỳ hạn).

Liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường đối với từng loại hình DN, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ phân chia thành 4 loại hình theo hình thức và mức độ sở hữu để áp dụng, trong đó có các công ty có lợi ích công chúng (rất nhiều công ty loại này đã niêm yết trên TTCK). Dự thảo Luật Kế toán quy định: định kỳ sáu 6 tháng một lần, khi công khai BCTC, các công ty có lợi ích công chúng phải lập BCTC dựa trên nguyên tắc giá trị hợp lý.

Nguồn: VACPA

5.0
704 Đánh giá
haivtca
Tác giả haivtca Admin
Bài viết trước Xác định quỹ tiền lương thực hiện

Xác định quỹ tiền lương thực hiện

Bài viết tiếp theo

Tuyển dụng Trưởng phòng dịch vụ kế toán năm 2022

Tuyển dụng Trưởng phòng dịch vụ kế toán năm 2022
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo