Khoản trợ cấp mất việc cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ không?
Những người lao động mất việc làm do doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoặc do lý do kinh tế thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khoản trợ cấp mất việc làm. Vậy những trường hợp nào được hưởng khoản trợ cấp mất việc làm và mức hưởng khoản trợ cấp như thế nào? Khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ không?
1.Các đối tượng được hưởng trợ cấp mất việc làm.Theo Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 tại Điều 44, Điều 45 quy định các trường hợp phải trả trợ cấp mất việc làm như sau:
- Nếu doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động và người người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc.
- Nếu vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc và người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc.
- Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà người sử dụng lao động không sử dụng hết số lao động hiện có và người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc.
2.Mức hưởng trợ cấp mất việc làm.Theo Bộ Luật Lao Động số 10/2012/QH13 tại Điều 49 quy định về trợ cấp mất việc làm như sau:
- Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
- Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Ví dụ 1: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp được 14 tháng và doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trợ cấp mất việc làm mà người lao động được hưởng là: 2 tháng tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Ví dụ 2: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp được 5 năm trong đó thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 3 năm.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là: 5 – 3 = 2 năm.
Tiền trợ cấp mất việc làm mà người lao động được hưởng là 2 tháng tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
3.Khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ không?Thông tư 96/2015/TT-BTC tại Điều 4, Khoản 2, Điểm 2.12 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi không được tính vào chi phí được trừ như sau:
“2.12. Khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động không theo đúng quy định hiện hành.”
Căn cứ theo quy định trên:
- Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu doanh nghiệp chi trả trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định về mức hưởng trợ cấp mất việc làm.
- Doanh nghiệp chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động không theo quy định về mức hưởng trợ cấp mất việc làm thì doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi đó.
Mời các bạn tham khảo thêm Thế nào là cá nhân kinh doanh theo pháp luật thuế?