Điều kiện hưởng trợ cấp và mức hưởng trợ cấp khi sinh con năm 2015

Thuế Công Minh Tác giả Thuế Công Minh 16/07/2024 6 phút đọc
Người lao động nghỉ sinh phải đóng bảo hiểm trong bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản. Mức hưởng trợ cấp thai sản của người lao động là bao nhiêu?

Căn cứ theo Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 tại Điều 28 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi;

d) Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản.

2. Người lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.”

Căn cứ theo quy định trên:

- Người hưởng chế độ thai sản là lao động nữ mang thai, sinh con; nhận nuôi con nuôi hoặc lao động đặt vòng tránh thai.

- Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con và nhận con nuôi.

- Người lao động nếu nghỉ việc trước khi sinh mà trước đó đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Luật Lao Động số 10/2012/QH13 tại Điều 157 quy định về nghỉ thai sản như sau:

“1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”

Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 tại Điều 34, Điều 35 quy định như sau:

Điều 34. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.

Điều 35. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 của Luật này thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.”

Căn cứ theo quy định trên người lao động sinh con được hưởng trợ cấp như sau:

- Trợ cấp một lần khi sinh con: 2 x 1.150.000 = 2.300.000 đồng.

- Mức hưởng chế độ thai sản: 6 x tiền lương bình quân đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Ví dụ: Người lao động nghỉ sinh từ ngày 01/01/2015, tiền lương đóng BHXH từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/10/2014 là 3.050.000 đồng. Tiền lương đóng BHXH từ ngày 01/11/2014 đến ngày 31/12/2014 là 3.500.000 đồng thì mức hưởng trợ cấp khi sinh con của người lao động được tính như sau:

- Trợ cấp một lần khi sinh con: 2 x 1.150.000 = 2.300.000 đồng.

- Mức hưởng chế độ thai sản:

Tiền lương bình quân đóng BHXH trước khi sinh con: (3.050.000 x 4 + 3.500.000 x 2)/ 6 = 3.200.000 đồng

Mức hưởng chế độ thai sản = 6 x 3.200.000 = 19.200.000 đồng

Tổng mức trợ cấp thai sản người lao động được hưởng = 2.300.000 + 19.200.000 = 21.500.000 đồng

Thuế Công Minh
Tác giả Thuế Công Minh Admin
Bài viết trước Các loại thuế mà chi nhánh công ty phải kê khai nộp thuế

Các loại thuế mà chi nhánh công ty phải kê khai nộp thuế

Bài viết tiếp theo

Tuyển dụng Trưởng phòng dịch vụ kế toán năm 2022

Tuyển dụng Trưởng phòng dịch vụ kế toán năm 2022
Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo