Doanh nghiệp có phải đóng kinh phí công đoàn không?
Doanh nghiệp mới thành lập hoặc đã đi vào hoạt động có bắt buộc phải nộp kinh phí công đoàn không? Việc trích và nộp kinh phí công đoàn có phải chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có thành lập tổ chức công đoàn hay không?
- Đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn.
Căn cứ Nghị định 191/2013/NĐ-CP tại Điều 4 quy định đối tượng đóng kinh phí kinh đoàn như sau:
- Đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở:
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
+ Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
+ Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
+ Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.
+ Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
+ Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Do đó đối với các doanh nghiệp dù đã thành lập tổ chức công đoàn hoặc chưa thành lập tổ chức công đoàn đều phải đóng phí công đoàn cho người lao động.
- Mức đóng kinh phí công đoàn.
Mức đóng kinh phí công đoàn cho người lao động được quy định tại Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP như sau:
“Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.”
Căn cứ theo quy định trên:
- Doanh nghiệp và các tổ chức phải đóng kinh phí công đoàn cho người lao động với mức đóng bằng 2% trên quỹ lương đóng bảo hiểm cho người lao động.
- Theo Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 thì mức lương đóng bảo hiểm cho người lao động là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
- Doanh nghiệp trừ 1% kinh phí công đoàn trên tổng số lương của người lao động trước khi chi trả thu nhập cho người lao động.
- Nộp kinh phí công đoàn.
Căn cứ Quyết định 1395/QĐ-TLĐ tại Điều 6 quy định về phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở như sau:
- Công đoàn cơ sở được sử dụng 65% tổng số thu kinh phí công đoàn, 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị.
- Nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên.
+ Đối với công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn phải nộp lên công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở 35% tổng số thu kinh phí công đoàn và 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn.
+ Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở: Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng, được sử dụng 65% tổng số thu để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này.
+ Cấp kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở hành chính sự nghiệp và công đoàn cơ sở doanh nghiệp không được phân cấp thu kinh phí công đoàn: Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn của đơn vị có trách nhiệm cấp 65% tổng số thu kinh phí công đoàn đã thu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho công đoàn cơ sở khi cấp được bù trừ với 40% tổng số thu đoàn phí công đoàn cơ sở phải nộp công đoàn cấp trên.
===> Mời các bạn xem tiếp: Hướng dẫn chuyển số dư tài khoản theo Thông tư 200