Chi phí được trừ cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN 2015
Cùng với với việc xác định thu nhập tính thuế trong năm 2015 có một chút thay đổi, các đơn vị doanh nghiệp, người nộp thuế phải thực hiện điều chỉnh xác định lại một số khoản chi phí được trừ trong năm nay. Đại lý thuế Công Minh xin hướng dẫn Các Chi phí được trừ cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN 2015
Chi phí được trừ cần lưu ý khi quyết toán thuế TNDN 2015
1. Đối với chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.
a) Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn được tính vào chi phí được trừ như sau:
- Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Trước năm 2015 phải có thêm:
- Văn bản của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý giải trình về tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và văn bản này phải gửi cơ quan thuế cùng với hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm tài sản, hàng hóa bị tổn thất.
- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra sự việc thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn là trong thời gian đó có xảy ra thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn.
b) Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:
- Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Trước năm 2015 phải có thêm:
Văn bản của DN gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý giải trình về hàng hóa bị bị hư hỏng do hết hạn sử dụng, bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên. Đồng thời, doanh nghiệp phải gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý văn bản này khi nộp hồ sơ kê khai quyết toán thuế TNDN theo quy định của năm xảy ra tài sản, hàng hóa bị tổn thất, bị hư hỏng.
* Hồ sơ xác định giá trị tổn thất được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
2. Về chi khấu hao tài sản cố định
Ngoài các khoản chi khấu hao TSCĐ theo quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC, từ năm 2015 có bổ sung các tài sản cố định của doanh nghiệp phục vụ cho người lao động và để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm: thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị, nội thất đủ điều kiện là tài sản cố định lắp đặt trong các công trình phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp; cơ sở vật chất, máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
3. Về phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá
Bỏ quy định doanh nghiệp tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh làm cơ sở xác định chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá phần vượt mức tiêu hao hợp lý không được tính vào chi phí được trừ.
Đối với phần chi vượt định mức tiêu hao đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
4. Về chi trả tiền thuê tài sản của cá nhân
Bổ sung quy định được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế đối với khoản chi trả tiền thuê tài sản của cá nhân có đầy đủ hồ sơ, chứng từ như sau:
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.
- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp được tính vào chí phí được trừ tổng số tiền thuê tài sản bao gồm cả phần thuế nộp thay cho cá nhân.
Về việc công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà
Theo văn bản số 4528/TCT-PC ngày 02/11/2015 của Tổng cục Thuế về việc công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở thì:
- Trường hợp hợp đồng thuê nhà được ký trước ngày Luật nhà ở số 65/2014/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01/07/2015) nếu thời hạn thuê từ 06 tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký.
- Trường hợp hợp đồng thuê nhà được ký từ ngày 01/07/2015, theo quy định của Luật nhà ở số 65/2014/QH13 sẽ không bắt buộc phải có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng có nhu cầu.
5. Về chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:
- Trước năm 2015: Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ thuộc các khoản chi mua bảo hiểm tự nguyện cho người lao động được tính vào chi phí được trừ nhưng không vượt quá 01 triệu đồng/tháng/người.
Từ năm 2015: Bỏ khống chế đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động và bổ sung quy định không được tính vào chi phí được trừ đối với chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
- Bổ sung quy định trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài trong đó nêu rõ doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam chi trả được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
6. Về chi trang phục cho người lao động sửa đổi, bổ sung như sau:
- Trước năm 2015: Phần chi trang phục bằng tiền, bằng hiện vật cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm không được tính vào chi phí được trừ. Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
- Từ năm 2015: Bỏ mức khống chế đối với trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cho người lao động bằng hiện vật, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
Không tính vào chi phí được trừ đối phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm.
Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.
7. Về khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác
- Trước năm 2015: Doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác trong nước và nước ngoài vượt quá 02 lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
Từ năm 2015: Bỏ mức khống chế đối với khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có khoán phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán.
- Bổ sung quy định: Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất.
+ Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.
+ Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.
8. Về chi trả tiền điện, tiền nước
Bỏ quy định doanh nghiệp phải lập bảng kê thanh toán tiền điện, tiền nước theo mẫu số 02/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
9. Về chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp.
- Trước năm 2015: Doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Từ năm 2015: Doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
10. Về chi tài trợ làm nhà cho người nghèo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết
Sửa đổi, bổ sung: Trường hợp bên nhận tài trợ là cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ thì hồ sơ xác định khoản tài trợ bao gồm: Biên bản xác nhận khoản tài trợ có chữ ký của người đại diện doanh nghiệp là nhà tài trợ và cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ là bên nhận tài trợ; hoá đơn, chứng từ mua hàng hoá (nếu tài trợ bằng hiện vật) hoặc chứng từ chi tiền (nếu tài trợ bằng tiền), không cần có văn bản xác nhận hộ nghèo của chính quyền địa phương (đối với tài trợ làm nhà cho người nghèo).
11. Bổ sung quy định chi tài trợ theo chương trình của Nhà nước bao gồm cả khoản tài trợ của doanh nghiệp cho việc xây dựng cầu mới dân sinh ở địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
12. Bổ sung một số khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế được tính vào chi phí được trừ như sau:
- Khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động bao gồm:
+ Chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học.
+ Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp
- Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động).
Đồng thời bổ sung hướng dẫn: Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Việc doanh nghiệp Nhà nước có vốn của Nhà nước thì khoản chi có tính chất phúc lợi có được tính vào chi phí được trừ hay không?
Theo văn bản số 8738/BTC-TCT ngày 29/06/2015 của Bộ Tài chính về chính sách thuế TNDN thì khoản chi có tính chất phúc lợi nêu trên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, có vốn của Nhà nước.
13. Bổ sung hướng dẫn: Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vượt mức thực tế phát sinh của năm không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Trường hợp nộp một lần, mức thực tế phát sinh của năm được xác định trên cơ sở tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phân bổ cho số năm khai thác còn lại. Trường hợp nộp hàng năm, mức thực tế phát sinh là số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm mà doanh nghiệp đã vào nộp ngân sách nhà nước.
2.14. Về chi phí đóng góp trực tiếp cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – BTC:
Theo văn bản số số 1713/BTC-TCT ngày 3/2/2015 hướng dẫn chứng từ xác định chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thì:
Từ ngày 01/01/2015 đến hết năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có các khoản đóng góp trực tiếp cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – BTC thì khoản đóng góp này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế TNDN. Chứng từ để tính vào chi phí được trừ là: Phiếu chi của doanh nghiệp bảo hiểm; Phiếu thu của Cục quản lý giám sát bảo hiểm; Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên theo quy định.
Trường hợp Luật phí, lệ phí ban hành có quy định khác thì thực hiện quy định tại Luật phí, lệ phí.
Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan